Bạn thường nghĩ chỉ cần đặt mật khẩu, cẩn thận trong cài đặt ứng dụng là có thể hoàn toàn an tâm trước nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, có những tình huống mà bạn chẳng thể nào ngờ người khác muốn có thông tin của mình lại dễ đến như vậy. Một thiết bị nổi tiếng về khả năng bảo mật cũng chưa hẳn sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối mà còn phụ thuộc vào thói quen của người dùng. Đối với điện thoại di động, nguy cơ rò rỉ thông tin trong thiết bị do các loại virus, trojan, lỗ hổng bảo mật... là có thật, nhưng thực tế không phổ biến đến nỗi phải cảnh báo một cách nghiêm trọng như trên máy tính. Vấn đề của những trường hợp rò rỉ thông tin đôi lúc lại xuất phát từ những việc làm tưởng chừng vô hại, nhưng thực chất lại chứa đựng rất nhiều nguy hiểm. 1. Sao lưu thiết bị Nếu bạn thường xuyên cài đặt ứng dụng hoặc nâng cấp firmware cho thiết bị tại các cửa hàng dịch vụ thì hãy cẩn thận, bạn đang vô tình để lộ khá nhiều thông tin cá nhân của mình mà không hề hay biết. Thông thường, các cửa hàng dịch vụ luôn tạo một bản sao lưu cho thiết bị của bạn mỗi khi cài lại ứng dụng hoặc nâng cấp firmware. Đây là việc tưởng chừng hết sức bình thường, và các chương trình quản lý thiết bị cũng thường khuyên người dùng tạo một bản sao lưu phòng trường hợp bất trắc. Thao tác này thường chỉ tốn khoảng vài phút nên hầu hết người dùng di động đều đồng ý thực hiện, hoặc thậm chí là chẳng cần quan tâm. Tuy nhiên, bạn đã quên mất một điều rằng, những bản sao lưu được lưu trữ trong máy tính của cửa hàng dịch vụ, đã chứa trọn tất cả những thông tin trong thiết bị của bạn. Chỉ cần vài thao tác phục hồi, tất cả những thông tin như tin nhắn, email, hình ảnh, video... của bạn sẽ được chuyển sang một thiết bị khác khá dễ dàng, rất nguy hiểm! Chính vì thế để hạn chế tình trạng này, mỗi khi cần nhờ các cửa hàng dịch vụ cài đặt ứng dụng hoặc nâng cấp firmware, hãy luôn chắc chắn rằng họ sẽ xóa sạch những bản sao lưu của thiết bị trong máy tính. Tốt nhất là nên đặt mật khẩu cho thiết bị, để phòng trường hợp người khác cố tình phục hồi và truy cập những dữ liệu nhạy cảm nếu có trong máy. 2. Bán máy cũ Đối với những người có kinh nghiệm, việc nên làm mỗi khi bán đi một chiếc máy cũ là xóa sạch mọi thông tin của máy, hoặc đưa máy về tình trạng xuất xưởng. Đây là việc đơn giản nhưng trên thực tế lại có khá nhiều người sử dụng khá dửng dưng khi quyết định bán một chiếc điện thoại cũ. Sự bất cẩn đó là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc rò rỉ thông tin cá nhân. Nhưng trên thực tế, có đôi lúc bạn có thể để lộ thông tin của mình dù dữ liệu trong máy đã được xóa sạch. Vậy tại sao? Chắc chắn bạn đã từng nghe đến những phần mềm chuyên dụng để phục hồi dữ liệu trên thẻ nhớ, ổ cứng, hoặc trực tiếp trên thiết bị. Nhiều phần mềm phục hồi hiệu quả đến nỗi, ngay cả khi bạn đã xóa đi xóa lại nhiều lần dữ liệu trên thẻ thì việc phục hồi vẫn trở nên dễ như trở bàn tay. Dữ liệu phục hồi được có thể sẽ không hoàn hảo hoàn toàn, nhưng đối với một ai đó cần lấy dữ liệu của bạn thì đôi lúc một bức ảnh cũng có thể rất đáng giá. Tất nhiên, tình trạng này chỉ thường xảy ra đối với những người sử dụng mà thông tin cá nhân của họ sẽ rất đáng giá với một vài người khác. Còn đối với những người dùng thông thường, e-CHÍP khuyên bạn phải luôn nhớ xóa sạch dữ liệu quan trọng trong thiết bị khi bán máy cũ là đủ. Những mật khẩu đơn giản đôi khi sẽ đem lại cho bạn vài rắc rối đến không ngờ. 3. Thói quen đặt mật khẩu Đối với một chiếc smartphone thông thường, việc quản lý mật khẩu thiết bị chỉ đơn thuần là một chuỗi gồm 4-6 chữ số. Và đa số người dùng cũng chỉ cần như vậy là đủ để tránh những thao tác phiền phức khi bật/tắt thiết bị. Để giải được một dãy mật khẩu từ 4-6 chữ số, người sử dụng có thể phải nhập lại hàng nghìn lần những dãy chữ số liên tiếp để tìm ra đáp án. Tuy nhiên, cơ hội mà hầu hết thiết bị dành cho những người cố tình nhập sai mật khẩu chỉ là từ 5 - 10 lần nên việc giải được mật khẩu cũng không hề đơn giản. Trên thực tế, việc đoán mật khẩu của một ai đó không quá phức tạp đến như vậy. Bởi hầu hết những người sử dụng thiếu kinh nghiệm đều có thói quen quản lý mật khẩu khá đơn giản. Thông thường, những dãy mật khẩu dạng chữ số thường trùng với những dữ liệu như ngày sinh, ngày kỷ niệm, hoặc một dãy ký tự dễ nhớ như 1234, 123456, 112233..., nên người dùng vẫn thường đặt mật khẩu như vậy cho dễ nhớ. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm trong trường hợp điện thoại của bạn chứa nhiều thông tin nhạy cảm, bởi những thông tin như vậy là điều bất kỳ ai cũng đều nghĩ tới nếu muốn tìm ra mật khẩu của bạn. Song song đó, một thói quen khác là đặt cùng một mật khẩu cho nhiều thiết bị, hoặc nhiều tài khoản khác như e-mail, Facebook, Yahoo! Messenger... đôi lúc cũng có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Chỉ cần lấy được mật khẩu của một trong những tài khoản trên, một ai khác có thể dựa vào đó để truy cập vào tất cả những thiết bị, tài khoản khác chứa thông tin cá nhân của bạn. Lúc đó, chắc chắn bạn sẽ phải khổ sở rất nhiều cho thói quen đặt mật khẩu tưởng chừng vô hại của mình. Nguồn : Echip
BB thế nào không biết nhưng mà nói chung mình có biết và đã từng test 1 thể loại này Khi các bác dùng thiết bị cá nhân, bắt wifi vào nơi công cộng như cafe hay các trạm wifi chùa. Hên thì ko sao, xui thì 1 bác nào đó cũng đang kết nối trong cùng mạng với bác, Sniff dữ liệu bác gửi đến/ gửi đi, không chỉ Sniff một mình mình mà Sniff toàn bộ dữ liệu gửi đến/đi của tất cả những ai kết nối vào mạng này. rồi dùng công cụ giải mã dịch ngược được pass thôi. Cách này chôm pass chả cần cài cắm gì vào thiết bị máy bác cả, rất ư là nguy hiểm Em ra ngoài công cộng là chả bao giờ login lung tung