Tất cả về LTE ở Việt Nam

Thảo luận trong 'Tin Tức Công Nghệ' bắt đầu bởi trần trọng thành, 19/1/16.

  1. Có thể nhiều người không biết điều này, nhưng LTE mà các nhà mạng Việt Nam đang thử nghiệm là LTE Cat 11, mạng LTE có tốc độ thương mại cao nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. LTE Cat 11 được nhà mạng Telstra của Úc thương mại hóa vào tháng 9 trên thế giới, là mạng đầu tiên và hiếm hoi đạt đến tốc độ này. Và có lẽ nhiều bạn cũng không hình dung ra: tất cả các điện thoại đang bán trên thị trường Việt Nam, từ iPhone 6s, Galaxy Note 5, Xperia Z5 Premium… không máy nào đạt đến tốc độ tối đa mà Vinaphone đang thử nghiệm.

    LTE và LTE Advanced:
    Để cho dễ hình dung, bạn cứ tưởng tượng mạng 4G mà chúng ta hay nghe có hai tiêu chuẩn nhỏ khác nhau là LTE và LTE Advanced ( LTE-A). Bạn nào hay dùng những điện thoại xách tay từ Hàn Quốc về hẳn sẽ thấy chữ LTE-A rất quen thuộc. LTE-A là thế hệ mạng tiếp theo của LTE với tốc độ tối đa về mặt lý thuyết là tải về 3Gbps, tải lên 1.5Gbps. Không chỉ có vậy, LTE-A còn tăng cường hiệu năng của băng thông truyền tải, tăng số thuê bao có thể đáp ứng cùng lúc với mỗi trạm phát sóng và kết hợp các cụm ăng ten 2x2 hay hay thậm chí là 8x8 MIMO để tăng cường băng thông.

    Có rất nhiều yêu cầu để đạt được LTE-A, không chỉ từ nhà mạng mà còn cả các thiết bị đầu cuối. Chúng rất phức tạp và chúng ta cũng không nên tìm hiểu nhiều cho tốn thời gian. Bạn chỉ cần biết rằng các nhà mạng Việt Nam đều đang bỏ qua LTE để lên thẳng LTE-A, kể cả Viettel lúc trước và Vinaphone hiện tại.

    Thực chất việc lên LTE-A không phải là cái gì quá đặc biệt, vì cũng như từ 3G HSPA+ lên 4G LTE, công nghệ mới hơn (LTE-A) sẽ giúp cắt giảm chi phí mà nhà mạng phải bỏ ra trên từng byte dung lượng của người dùng. Bù lại cho chi phí vận hành thấp hơn này là chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn (công nghệ mới hơn thì mắc hơn, không được các nhà sản xuất trợ giá nhiều như mua công nghệ cũ…).

    Mạng LTE thương mại nhanh nhất thế giới:
    Như đã nói ở trên, LTE-A có tốc độ lý thuyết lên tới 3Gbps tải về và 1.5Gbps tải lên. Để cho dễ hình dung thì tổ chức quy chuẩn ra LTE là ITU đã tạo ra những mục (Category - Cat) khác nhau, các nhà mạng và nhà sản xuất sẽ lần lượt thực hiện theo lộ trình từng Category một, với Category 1 (Cat 1) là LTE chậm nhất và category 8 (Cat 8) là nhanh nhất (lý thuyết tải về 3Gbps và lên 1.5Gbps bắt đầu từ đây).

    Vì một lý do nào đó, ITU cảm thấy LTE Cat 8 không thể thực hiện được hoặc ít nhất là chưa thể thực hiện được ở thời điểm này (Cat 7 lên Cat 8 tăng đột ngột từ 2x2 ăng ten MIMO hoặc 4x4 MIMO 300Mbps lên 8x8 3000Mbps) nên họ đưa ra một loạt các Cat trung gian từ Cat 9 tới Cat 15 để bù đắp vào. Theo đó, khi Cat 15 thành hiện thực thì băng thông của nó về mặt lý thuyết sẽ là 3.916Mbps, tức cao hơn Cat 8.

    [​IMG]
    Đa ăng ten, đa băng tần
    Từ nãy đến giờ, các bạn đã thấy chữ MIMO xuất hiện rất nhiều nên hẳn cũng thắc mắc về nó. Bạn nào sử dụng máy tính xách tay sau này hoặc dùng router WiFi xịn sẽ thường xuyên sử dụng MIMO. MIMO là phương thức sử dụng nhiều ăng ten từ thiết bị đầu cuối (điện thoại, laptop…) kết nối trực tiếp với nhiều ăng ten từ thiết bị phát (trạm phát sóng, cục WiFi..) để có được băng thông cao hơn. Thông thường thì LTE sử dụng MIMO 2x2 hoặc cao lắm là 4x4 nhưng Cat 8 và Cat 15 đều là 8x8. Nhờ vào việc huy động nhiều kết nối như vậy cùng một lúc trên cùng một kênh (carrier) mà băng thông của LTE tăng lên rất nhiều so với mạng HSPA+ trước kia. Cùng nguyên tắc được áp dụng với WiFi chuẩn n và ac.

    Bản chất của LTE-A là việc cho phép tận dụng băng thông nhàn rỗi ở những kênh khác nhau để băng thông truyền tải dữ liệu. Mạng LTE Cat 4 lúc dùng kết hợp hai kênh 10MHz để truyền tải tốc độ 150Mbps trong khi Cat 6 là 2 kênh 20MHz để đạt 300Mbps… Cứ tiếp tục như thế, về mặt lý thuyết thì LTE-A cho phép tận dụng tới 5 kênh 100MHz (carriers) cùng một lúc.

    Máy nào có thể sử dụng LTE ở Việt Nam:
    LTE là một công nghệ cực kỳ phức tạp về mặt băng tần, không chỉ bởi vì bản chất công nghệ của nó mà còn vì rất nhiều băng tần đã được sử dụng cho những việc khác nên không thể tận dụng cho LTE ở những quốc gia khác nhau. Cũng như WiFi máy tính, các băng tần như 2.4GHz có phạm vi phát sóng xa hơn rất nhiều so với 5GHz nhưng băng thông lại kém hơn. LTE cũng vậy.

    Ở Việt Nam thì hiện tại các nhà mạng đều đang thử nghiệm LTE ở hai băng tần 1800MHz và 2600MHz, nếu điện thoại hay cục thu phát 4G của bạn hỗ trợ 2 băng tần này thì chắc chắn có thể sử dụng LTE ở Việt Nam, còn tốc độ thế nào còn phụ thuộc vào thiết bị. Chắc chắn một điều này ở thời điểm này, tốc độ LTE mà Vinaphone thử nghiệm cao hơn tất cả các điện thoại đã được thương mại hóa trên thị trường.

    Như đã nói, VN đang thử nghiệm 2 băng tần nhưng rất có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện một băng tần thứ 3 là 700MHz. Băng tần này nước ta đang sử dụng với dịch vụ truyền hình tương tự analog, dịch vụ sẽ được khai tử trong thời gian sắp tới. Viettel từng ủng hộ 700MHz vì nó có phạm vi phủ sóng cao (dù băng thông thấp hơn 1800MHz và 2600MHz), cùng một phạm vi phát sóng nếu dùng băng tần 2600MHz thì nhà mạng phải xây dựng số trạm thu phát sóng gần như gấp đôi so với băng tần 700MHz. Rất có thể các nhà mạng sẽ dùng 700MHz ở khu vực nông thôn, miền núi và 1800MHz, 2600MHz ở khu vực thành phố nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Ở thành phố thì băng tần 700MHz cũng cực kỳ có lợi ở khu vực có mật độ nhà cao tầng cao hay tàu điện ngầm sau này.

    Ngoài cách hiển thị ở MHz, để dễ ghi chú thì các nhà sản xuất thường hiển thị băng tần LTE dưới dạng số, ví dụ Band 1, Band 2, 17, 20… Để tra cứu các bạn vàohttp://niviuk.free.fr/lte_band.php , xem band và băng tần tương ứng. Ba băng tần của Việt Nam là 12 (700MHz), 3 (1800MHz) và 7 (2600MHz).
    LTE frequency band
    LTE frequency band and earfcn calculator
    NIVIUK.FREE.FR



    Tốc độ LTE:
    Máy cho phép dùng LTE là một chuyện nhưng tốc độ tối đa lại là một câu chuyện khác. Trong phần “mạng LTE thương mại nhanh nhất thế giới”, mình có cho các bạn xem bảng so sánh băng thông các Cat. Vinaphone và Viettel không nói rõ về LTE Cat mà họ đang thử nghiệm nhưng nhìn vào bảng tốc độ có thể thấy Vinaphone là Cat 11 và Viettel là Cat 6.

    Với Viettel thì hầu hết các thiết bị cao cấp mà các bạn đang thấy trên thị trường đều đã có thể tận dụng tối đa băng thông của họ. Cat 6 bắt đầu được thương mại hóa vào 2014, tức rất mới chứ hoàn toàn không phải là một công nghệ cũ như nhiều người lầm tưởng.

    Về Vinaphone, hiện tại kể cả những máy mới nhất như Galaxy Note 5 hay S6 Edge Plus, Xperia Z5 mới hỗ trợ Cat 9 với băng thông tối đa 450Mbps, chưa đạt đến Cat 11 600Mbps. iPhone 6s, iPhone 6s Plus, Lumia 950XL đều là Cat 6 với băng thông 300Mbps tải về và 50Mbps tải lên.

    Nếu bạn muốn biết khi nào chúng ta mới có điện thoại Cat 11, Cat 12 thì hãy chờ đến tháng 2-3/2016, thời điểm những điện thoại sử dụng SnapDragon 820 xuất hiện trên thị trường. SnapDragon 820 đi kèm modem LTE X12. "Ngẫu nhiên thay”, modem này lại hỗ trợ Cat 12 với băng thông tải về tối đa 600Mbps và lên 150Mbps. Bạn có ngạc nhiên không khi Vinaphone không thể dùng bất cứ điện thoại nào để thử LTE mà phải dùng một cục thu phát 4G của Telstra, nhà mạng đầu tiên thương mại hóa được LTE-A Cat 11 vào tháng 9 vừa qua?

    Vậy Qualcomm thì liên quan gì tới LTE-A mà chúng ta phải nhắc tới ở đây? Qualcomm là nhà sản xuất linh kiện, giải pháp mạng hàng đầu cũng như nắm hàng loạt bản quyền liên quan đến các công nghệ mạng. Rất nhiều các điện thoại bạn thấy trên thị trường đều sử dụng modem LTE từ Qualcomm: Galaxy Note 5, Xperia Z5, LG V10 và iPhone 6s Plus chỉ là bốn ví dụ điển hình nhất.

    Tất nhiên, giả dụ modem LTE của bạn là dòng cao cấp nhất, nhà mạng Việt Nam cũng cung cấp thử nghiệm LTE tốc độ cao nhất, rồi sao? Tốc độ mạng mà chúng ta sử dụng thực tế mới là cái quan trọng nhất. Từ đây, đặt ra một câu hỏi lớn:
    Các nhà mạng có chém gió không? Mạng thử nghiệm thì nhanh còn mạng xài thật thì chậm?
    LTE có rất nhiều ưu điểm so với mạng 3G, sẽ thật bất công cho tất cả chúng ta khi bình luận “3G làm còn không xong thì nói gì 4G LTE”:
    • Chi phí trên từng MB mà nhà mạng bỏ ra trên mạng LTE-A thấp hơn nhiều so với 3G
    • Mạng LTE-A ít trễ hơn nhiều so với 3G
    • Mạng LTE-A cho phép nhiều người dùng truy cập với chung một trạm phát sóng hơn, tức ở khu vực đông đúc mà mạng 3G nghẽn thì có khả năng mạng 4G vẫn hoạt động được.
    • Mạng LTE-A tận dụng tốt hơn băng thông nhàn rỗi, ví dụ như ở khu vực ít người sử dụng thì người đó sẽ được sử dụng các tài nguyên khác từ những kênh nhàn rỗi, do đó tốc độ sẽ tăng lên đáng kể.
    Với những đặc điểm kể trên, tất nhiên mạng LTE là một bước tiến lớn so với 3G nhưng hiệu năng thực tế còn phụ thuộc rất lớn vào lưu lượng người dùng và số tiền mà các nhà mạng đổ vào cho LTE. Và băng thông mà chúng ta hay nghĩ khi nhắc đến 4G LTE chỉ là một phần của các lợi ích thổng thể. Hiện tại số người dùng LTE không nhiều nhưng khi con số này tăng lên thì đó lại là một câu chuyện khác.

    Dù sao, hãy cứ tin là 4G tốt hơn 3G, thật sự là vậy.

    Tổng hợp, ảnh: joins
     
    trần trọng thành

    trần trọng thành
    Expand Collapse

    Member

    Tham gia ngày:
    14/3/15
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    52

Chia sẻ trang này

PING