Không chỉ riêng người dùng nền tảng BlackBerry cần quan tâm đến dữ liệu của mình mà hầu hết các người dùng, cơ quan, tổ chức cũng phải cẩn trọng về vấn đề này. 2016 là năm đánh dấu sự trỗi dậy của những sự cố rò rỉ dữ liệu liên quan đến các tên tuổi lớn như Yahoo, Tumblr, LinkedIn,… Bên cạnh đó là hàng tỉ website, ứng dụng bị xâm nhập và công khai lên internet. Tạp chí Wired đã tổng kết lại những sự cố này và đưa ra những lời khuyên cho người sử dụng trong năm 2017 sắp tới. Yahoo Yahoo liên quan đến hai vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ trong năm 2016. Sự cố đầu tiên ảnh hưởng đến 500 triệu người dùng đã xảy ra vào năm 2004; trong khi đó vụ thứ hai lớn hơn với một tỉ tài khoản bị ảnh hưởng đã diễn ra trong năm 2013. Yahoo chỉ công bố công khai hai cuộc tấn công này trong năm 2016. Các dữ liệu bị rò rỉ gồm tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày sinh, mật khẩu, các câu hỏi và câu trả lời bảo mật. Adult Friend Finder Hơn 400 triệu thông tin tài khoản từ các trang web người lớn như Adultfriendfinder.com, Cams.com, Penthouse.com, Stipshow.com và iCams.com đã bị đánh cắp và bán trên các trang web đen, trong đó có thông tin mật khẩu. Các mật khẩu được lưu trữ ở cả định dạng văn bản thuần túy hay các mã SHA1, trong đó "123456" chiếm phần lớn. LinkedIn Lượng dữ liệu bị rò rỉ từ dịch vụ mạng việc làm chuyên nghiệp này đã được phơi bày trong năm nay dù thời điểm thực sự bị rò rỉ là năm 2012. Các chuyên gia bảo mật đã khám phá ra hơn 117 triệu tài khoản bị rao bán trên các trang web chia sẻ dữ liệu. Lượng dữ liệu này được các hacker bán với giá 5 bitcon, tương đương 2200 USD (khoảng gần 50 triệu đồng). Tumblr Hàng triệu email gồm địa chỉ và mật khẩu đã bị đánh cắp khỏi Tumblr trong năm 2013 đột ngột xuất hiện trên các trang web đen vào năm nay. Tổng cộng khoảng 65.469.298 mật khẩu đã được bán với giá chỉ 102 bảng. Dailymotion 85,2 triệu địa chỉ email và tên người dùng của dịch vụ Dailymotion đã bị các hacker ghé thăm và lấy đi, trong đó 20% (khoảng 18,3 triệu tài khoản) có mật khẩu đi kèm. Rambler.ru Nhà cung cấp địa chỉ email và internet của Nga, Rambler.ru cũng đã bị tấn công vào năm 2012 và cơ sở dữ liệu gồm tên đăng nhập, địa chỉ email, thông tin tài khoản mạng xã hội và mật khẩu của 98,1 triệu khách hàng đã bị lấy đi. Sự kiện này cũng bị phanh phui trong năm 2016. Để trở nên an toàn hơn trong năm 2017 Người sử dụng các dịch vụ sẽ phải phụ thuộc vào độ an toàn của nhà cung cấp nhưng dĩ nhiên có một vài cách có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro. - Không sử dụng cùng mật khẩu: các mật khẩu đăng nhập vào các tài khoản khác nhau nên khác nhau, về độ dài và cả độ phức tạp. - Sử dụng các chương trình quản lý mật khẩu: nhiều mật khẩu phức tạp sẽ rất khó nhớ và có thể sẽ dẫn đến tình trạng quên sau một thời gian dài không sử dụng. Vì vậy, cách tốt nhất là sử dụng một chương trình quản lý mật khẩu như 1Password hay Lastpass. - Thay đổi mật khẩu định kỳ: giữ mật khẩu luôn được cập nhật và kiểm tra định kỳ tài khoản, đồng thời thay đổi thông tin khi có các sự cố rò rỉ dữ liệu xuất hiện. - Sử dụng đăng nhập hai bước: kết hợp một mật khẩu mạnh và xác nhận nhận dạng sẽ giúp bảo mật tốt hơn. Phương pháp xác thực hai bước sẽ cho phép dịch vụ biết những ai đang cố thử truy cập vào tài khoản của người dùng. Hầu hết các website và dịch vụ hiện nay đều có thể gửi cho người dùng mã xác minh thông qua điện thoại hoặc ứng dụng. Và nếu dịch vụ hỗ trợ, hãy chắc chắn bạn sử dụng chúng. Tham khảo VnReview