Hãng viễn thông Mỹ AT&T đang tìm hướng nhắm tới thị trường Việt Nam bằng việc cung cấp dich vụ giám sát, định vị cho ngành vận tải và kết nối xe ô tô qua 3G và 4G hợp tác cùng với Viettel. AT&T đang là người đi đầu tại thị trường Mỹ đối với Internet of things và tập đoàn này đang muốn đẩy mạnh xu hướng đó đến các thị trường khác như Việt Nam. Ông Sandy Verma, Giám đốc Cấp cao phụ trách các Giải pháp Internet vạn vật (Internet of Things), Công ty AT&T khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, theo thống kê của PriceWaterHouseCoopers thì có tới 86% các CIO trên thế giới nói rằng công nghệ đang làm thay đổi phương thức kinh doanh của họ. Trong số đó, phân tích dữ liệu và Internet vạn vật (Internet of things - IoT) đang nổi lên như những công nghệ đáng chú ý nhất. Với xu hướng IoT, điện thoại di động không chỉ nhắn tin gọi điện nữa mà nó có thể đóng mở cửa, bật các thiết bị điện thông minh trong nhà, kết nối các thiết bị trong nhà xưởng, kết nối các thiết bị y tế theo dõi sức khỏe con người. AT&T đang là người đi đầu tại thị trường Mỹ đối với Internet of things và tập đoàn này đang muốn đẩy mạnh xu hướng đó đến các thị trường khác như Việt Nam. AT&T đưa ra giải pháp kết nối cho chuỗi cung ứng Theo phân tích của ông Sandy Verma, Việt Nam là nền kinh tế dựa trên vận tải đường biển vì Việt Nam xuất khẩu rất nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản. Ví dụ thị trường tôm xuất khẩu của Việt Nam đạt giá trị khoảng 4 - 6 tỷ USD và được xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thủy hải sản này có rất nhiều quy định chặt chẽ. Người bán hàng không biết được rằng khi họ đóng container tôm để xuất khẩu thì tình trạng tôm của mình có đảm bảo chất lượng đối với thị trường nhập khẩu hay không. Thế nhưng, với dịch vụ mà AT&T cung cấp khi hợp tác với Viettel thì những nhà xuất khẩu có thể biết thông tin về lô hàng của mình đang ở tình trạng ra sao. Cụ thể, AT&T sẽ cung cấp thiết bị có tên gọi Cargo View với kích thước chỉ bằng cái chén để theo dõi lô hàng đó. Chủ lô hàng có thể biết được tình trạng lô hàng tôm xuất khẩu của mình đang được bảo quản ra sao và định vị nó ở đâu qua thiết bị Cargo View. Nhờ đó, khi lô hàng đến cảng thì việc vận chuyển sẽ nối tiếp kịp thời và thậm chí các nhà hàng mua tôm có thể thực hiện chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi kịp cho lô hàng tôm mới nhập này. Cargo View được kết hợp trên nền công nghệ định vị và sử dụng các bộ cảm biến. Với Cargo View, chủ lô hàng có thể biết được vị trí, môi trường xung quanh hàng hóa của mình. Vì vậy, có thể nói, việc ứng dụng Cargo View tại Việt Nam khi hợp tác với Viettel có thể giúp cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản được thuận tiện hơn. AT&T cho phép truy cập vào dịch vụ Internet trên điện thoại ở hơn 200 quốc gia, hơn 402 000 điểm phát Wi-Fi ở hơn 200 quốc gia và hơn 85 000 khách hàng là các công ty đã sử dụng giải pháp điện thoại AT&T trên toàn thế giới. Nhắm tới thị trường kết nối xe hơi qua 3G và 4G AT&T đặt nhiều hi vọng vào sự phát triển đầy ý nghĩa của các thuê bao khi chúng được kết nối vào dịch vụ ô tô trong vòng từ 3 - 5 năm tới, kết nối gần một nửa những người sử dụng phương tiện giao thông kết nối không dây ở Mỹ vào năm 2015. Ví dụ điển hình là AT&T đã hợp tác với hãng Nissan để đưa ra mẫu xe được kết nối 3G và 4G. Nhờ đó, hãng Nissan có thể biết được tình trạng của chiếc xe này từ xa. Quý 4/2014, AT&T đã hợp tác với các hãng sản xuất ô tô như; Ford, Audi, GM, Volvol, Nissan... Theo ông Sandy Verma, vì lý do an toàn, tại Mỹ, theo quy định mỗi lái xe chỉ được làm việc trên đường trong một khoảng thời gian nhất định. AT&T đã đưa ra giải pháp cảnh báo người lái xe sau một thời gian cho phép thì người lái xe phải nghỉ để đảm bảo an toàn. Trên xe sẽ có các hộp đen quản lý hành trình xe như dừng đỗ, tốc độ của xe. Đề cập đến việc tiếp cận thị trường Việt Nam, ông Sandy Verma cho biết sẽ làm việc với các hiệp hội ngành nghề để giới thiệu cho họ lợi ích của Internet of things; làm việc với các doanh nghiệp xem có thể mang đến các giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ tốt hơn. Ngoài ra, AT&T có thể đem thiết bị của mình theo chuỗi cung ứng của khách hàng để cho họ thấy thiết bị này được điều khiển như thế nào và theo dõi các thông số gì trong chuỗi cung ứng đó; có thể trình diễn và tính toán khi ứng dụng giải pháp này sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của chính doanh nghiệp đó như thế nào. Tuy nhiên, việc triển khai này cần có quy ước bảo mật cho khách hàng. Theo ITCnews