Facebook đang khởi động cuộc chiến chống lại nạn tin tức giả mạo bằng việc cung cấp những gợi ý và giúp đỡ người dùng có thể nhận diện các tin tức giả mạo và sai lệch trên mạng xã hội. Cuộc chiến chống lại tin tức giả mạo hay những thông tin sai lệch, sai sự thật trên mạng Internet đã không còn là của riêng các nhà cung ứng nội dung hàng đầu như Google, ngay cả Facebook cũng đang tìm cách giúp chính người dùng có thể phát hiện và tự bảo vệ bản thân trước những thông tin giả mạo. Mới đây, Facebook đã chính thức công bố sẽ thêm một hộp thông tin mới nằm ở trên News Feed của người dùng tại 14 quốc gia. Hộp thông tin này sẽ có nhiệm vụ đưa ra các lời khuyên hữu ích giúp người dùng có thể phát hiện các thông tin sai lệch, giả mạo. Facebook cũng cho biết thêm, đây không phải là một tính năng được bổ sung vĩnh viễn trong Facebook. Một số hộp thông tin sẽ tự mất đi sau vài ngày. Theo Business Insider, nếu người dùng nhấp vào Learn More trong hộp tùy chọn này, họ sẽ được chuyển hướng tới một bài viết trên trang Help Center (Trung tâm trợ giúp) của Facebook, nơi sẽ cung cấp 10 mẹo giúp phát hiện tin tức giả mạo, sai lệch. Một trong số các cách khuyên người dùng cần điều tra lại nguồn thông tin, hoặc trang web đó có phổ thông và được nhiều người biết đến không. Hộp thông tin trợ giúp và đưa ra các lời khuyên nhận biết tin giả mạo trên Facebook Chi tiết 10 mẹo được Facebook cung cấp cho người dùng dễ dàng phát hiện nguồn tin có phải giả mạo hay không Facebook đang rất quan tâm tới trải nghiệm người dùng, và đây có thể coi là màn mở đầu cho chiến dịch tuyên chiến với nạn tin giả mạo, sai lệch trên Facebook trong thời gian qua. Trước đó, Facebook từng bị giới công nghệ chỉ trích nặng nề về nạn tin tức giả mạo, sai lệch tràn lan. Chưa kể, nhiều người cũng cho rằng, Facebook chính là một trong những công cụ giúp Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ngoài Facebook, rất nhiều những ông lớn công nghệ khác cũng gặp phải vấn nạn tin giả mạo, đơn cử như Google. Công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ này cũng đã có cách giải quyết khá mạnh tay bằng việc loại hàng loạt các trang tin giả mạo khỏi mạng lưới quảng cáo của Google. Đây là một động thái mạnh tay và đánh trực diện vào nguồn tài chính của nhiều trang tin tức giả mạo. Mới đây nhất, Google còn tung ra thêm tính năng Fact Check, một tính năng cho phép kiểm duyệt các nội dung tìm kiếm trên Google thông qua các tổ chức kiểm tra độc lập PolitiFact và Snopes. Như vậy các thông tin tìm kiếm sẽ tiếp tục trải qua thêm một lần sàng lọc trước khi đến với người đọc. Mặc dù vậy, Facebook rõ ràng chịu nhiều áp lực hơn so với Google do lượng người dùng lên tới hàng tỷ người. Tuần vừa qua, Đức đã thông qua một dự luật mới khá mạnh tay khi sẽ xử phạt Facebook lên tới 50 triệu EUR (khoảng 52 triệu USD) nếu họ không xóa toàn bộ các tin tức giả mạo sớm. VnReview