Những hãng công nghệ từng đứng trên ngôi đầu của các bảng xếp hạng doanh thu và lòng tin của người tiêu dùng đang đánh mất ngôi vương của chính mình. Nokia dẫn đầu danh sách các nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới kể từ năm 1998 sau khi "lật đổ" Motorola. Kể từ đó, nhà sản xuất điện thoại di động Phần Lan liên tục giữ vị trí đầu về lượng cung. Nhưng kể từ quý 1/2012, Nokia chấm dứt 14 năm liên tục dẫn đầu thị trường điện thoại di động. Vị trí này nay thuộc về Samsung. Công ty này vượt cả Apple trên thị trường smartphone. Theo số liệu của Strategy Analytics, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2012, Samsung đã chiếm 25,4% thị trường điện thoại di động thế giới còn Nokia chỉ chiếm 22,5%. "Quả táo California" (Apple) cũng thời gian này đã xuất xưởng 35,1 triệu chiếc iPhone, nâng lượng cung lên 89% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Strategy Analytics, mặc dù chỉ có một loại sản phẩm là iPhone, thị phần của Apple trên thị trường điện thoại di động thế giới nói chung trong quý 1/2012 là 9,5% (chiếm vị trí thứ ba). Trong phiên giao dịch lúc 22:34 UTC +7 ngày 18/07/2012, giá cổ phiếu của Nokia đã xuống mức 1,7 USD/cổ phiếu (35230 vnđ), đây là mốc thấp nhất trong vòng 16 năm qua, đẩy giá trị thị trường của công ty này hiện tại xuống chỉ còn 6,329 tỉ USD. Trong năm vừa qua, cổ phiếu của Nokia đã giảm 70% và giảm 94% trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đà trì trệ này, Nokia sẽ chạm mốc thấp nhất của công ty ở thời điểm trước năm 1994. Dường như Nokia đang trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc, nếu công ty không sớm tung ra con bài chiến lược là những smartphone chạy hệ điều hành Windows Phone 8 thì khả năng phá sản hoặc bị mua lại của hãng điện thoại danh tiếng một thời là rất lớn. Đầu năm nay, Nokia thông báo tiếp tục cắt giảm thêm 4 ngàn nhân công tại các nhà máy sản xuất điện thoại của hãng ở ba quốc gia là Hungary, Phần Lan và Mexico. Trong năm ngoái, Nokia đã hai lần công bố việc cắt giảm nhân công với số lao động bị mất việc trong lần công bố thứ nhất là 4000 người và lần còn lại là 3500 người khác. Ba nhà máy nằm trong lần cơ cấu này đều là các nhà máy sản xuất smartphone của Nokia tại Komarom (Hungary), Salo (Phần Lan) và Reynosa (Mexico). Như vậy, Nokia đã chuyển toàn bộ quy trình sản xuất smartphone từ châu Âu và Mexico sang châu Á. Lý do được Nokia đưa ra đó là muốn nhà máy lắp ráp smartphone gần các nhà cung cấp linh kiện tại châu Á hơn, nhờ đó rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm. Hiện Nokia đang có các nhà máy sản xuất tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Masan, Hàn Quốc và nhà máy tại Bắc Ninh, Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. "Kế hoạch thay đổi nhưng các nhà máy của chúng tôi tại Phần Lan, Hungary và Mexico vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ các khách hàng smartphone", Niklas Savander - phó chủ tịch cấp cao của Nokia cho biết. Quá trình cắt giảm 4000 nhân công tại ba nhà máy nói trên sẽ được thực hiện từ bây giờ tới cuối năm 2012. Liệu bạn đã nhận ra sự giống nhau? Doanh thu của các hãng từ Q1/2007 - Q3/2011 Tình hình kinh doanh của hãng công nghệ Canada ngày càng xấu đi, kể từ đầu năm 2012 giá cổ phiếu của công ty liên tục mất giá. Và đến thời điểm hiện tại khi bạn đọc được bài viết này, giá cổ phiếu của RIM đã giảm xuống mức dưới 10$ lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua. Vốn hoá thị trường hiện nay của RIM là 5,09 tỉ USD. Nếu ở khoảng thời gian 5 năm trước, giá trị đó gấp 16 lần hiện nay. Một sự suy giảm rất đáng ngại. RIM đã tiến hành thuê 2 ngân hàng để cân nhắc các lựa chọn chiến lược kinh doanh, nhưng có vẻ như thế vẫn là chưa đủ. Việc cổ phiếu tiếp tục giảm, hàng loạt nhân sự cấp cao ra đi đã khiến tình hình của hãng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Giá cổ phiếu của hãng đã giảm 6,53% chỉ còn 9,57$/cổ phiếu, giá thấp nhất từ ngày 22 tháng 12 năm 2003 đến nay. RIM đã và đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử của công ty. RIM vừa mới công bố khoảng lỗ chưa từng có: lên đến 500 triệu USD chỉ trong quý 1 năm tài chính 2013 này (tương đương với quý 2 năm 2012), nhưng tin xấu vẫn chưa hết. Chứng kiến doanh số bán ra thấp thảm hại, hãng phải sa thải hơn 5.000 trong tổng số 16.500 nhân viên nhằm thắt lưng buộc bụng các khoản chi tiêu. Thêm vào đó, hệ điều hành BB 10, vốn được trông chờ như một chiếc phao cứu sinh, đã bị họ trì hoãn đến tận năm 2013. Và cuối cùng, hãng đã phải thay hàng loạt các CEO, cùng với nhiều vị trí then chốt trong bộ máy lãnh đạo cao cấp. Vậy còn điểm khác nhau? Giá trị cổ phiếu của RIM đang tuột dốc không phanh Nokia dù không còn ở đỉnh vinh quang ngày xưa nhưng vẫn nằm trong top 5 những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, thêm vào đó sự liên kết và cung cấp vốn của Microsoft phần nào giúp Nokia vững tin. Ngoài lĩnh vực điện thoại thông minh thì Nokia vẫn còn đó phân khúc phổ thông mà vẫn còn rất được ưa chuộng tại các nước đang phát triển. Ngoài ra nguồn thông tin từ nội bộ Nokia cho hay rằng họ vẫn còn một "kế hoạch B" nếu như sự kết hợp với Windows Phone của Microsoft thất bại, mặc dù không nói rõ nhưng nhiều nguồn thông tin cho hay Nokia vẫn còn quan tâm đến Android. RIM thì đang ở một tình thế khó khăn hơn nhiều so với Nokia. Ngoài việc rớt ra khỏi Top 5 các nhà sản xuất điện thoại thì hiện nay RIM đành phải "thắt lưng buộc bụng" vì phải sử dụng nguồn ngân sách dự trữ của chính mình bằng việc cắt giảm nhân công và đóng cửa một số nhà máy. Phân khúc phổ thông của dòng BlackBerry có giá thành cao hơn so với mặc bằng chung của thu nhập tại các nước phát triển và so với phân khúc phổ thông của các hãng khác. Và cuối cùng thì ngoài BlackBerry 10 thì RIM đã không còn con bài chiến lược nào nữa. Và thật sự với những người dùng trung thành với BlackBerry thì không ai muốn nhìn thấy một chiếc BlackBerry chạy Windows Phone hay Android. Và theo nhiều bạn bè mình quen biết thì nhiều người thà chuyển về một chiếc BlackBerry 8700 để dùng còn hơn là thấy một chiếc "Win-Berry" hay "Black-Droid" Người tiêu dùng mong chờ điều gì? Đã có nhiều đánh giá rằng thiết kế của Nokia N9, Lumia 800, Lumia 900 là một trong những mẫu thiết kế đẹp nhất trong lịch sử phát triển của hãng. Và nếu không có cuộc khủng hoảng này thì liệu Nokia có làm nên một thiết kế siêu phẩm như vậy? Giữa bao thiết kế (được đánh giá) giống (hoặc gần giống) với iPhone của Apple (1) hoặc những thiết kế hao hao giống nhau giữa các mẫu thiết kế của hãng đến mức nhân viên của hãng cũng không thể phân biệt nổi (2) thì hãng điện thoại Phần Lan đã làm nên sự khác biệt. Với thiết kế độc nhất, không lai tạp, không vay mượn ngôn ngữ thiết kế thì họ đã làm nên tên tuổi của dòng máy Lumia trong thời điểm này. Rất nhiều người dùng trung thành của RIM cũng mong chờ một "siêu phẩm" giúp vực dậy tình hình kinh doanh ảm đạm này, và cũng giống như Nokia, khi đã bị dồn vào chân tường thì họ sẽ làm được điều tương tự với dòng sản phẩm Lumia. BlackBerry 10 sẽ là con bài chiến lược cuối cùng, nếu tiếp tục thất bại thì chắc chắn rằng việc bán công ty hoặc phải liên doanh với một nhà phát triển hệ điều hành nào đó sẽ không còn xa nữa. (Nguồn: Tổng hợp từ The Verge, Engadget, AllthingsD & SlashGear) Chú thích: (1): Thiết kế dòng máy Galaxy của SamSung bị đánh giá học hỏi thiết kế của iPhone và iPad của Apple. Vụ kiện giữa 2 nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu thế giới này vẫn đang diễn ra tại Mỹ. (2): Trong phiên tòa vụ kiện Apple vs Samsung, Charles Verhoeven - luật sư của Samsung, chất vấn Phil Schiller - phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple. Các câu hỏi của Charles xoay quanh việc sản phẩm của Samsung và Apple có làm cho người tiêu dùng lẫn lộn hay không. Đại diện của Samsung đưa ra 2 thiết bị, iPhone 3GS và Infuse 4G để đặt câu hỏi cho Phil, song Charles lại lấy nhầm 1 chiếc điện thoại khác chứ không phải mẫu Infuse 4G. Phil dí dỏm "chính họ còn lúng túng mà". Về cơ bản, Phil vẫn đồng thuận với ý kiến chung của Apple rằng Samsung sao chép iPhone và iPad, và "tôi tin rằng khách hàng có thể bị nhầm lẫn".
Có cảm giác Nokia bị động bởi Microsoft... RIM vẫn làm chủ được mình... RIM đang làm mới mình và sẽ thành công... BB10 sẽ thật tuyệt vời...