Các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford đã phát triển thành công một loại pin lithium cho thời lượng sử dụng cao hơn so với công nghệ pin hiện tại. Theo đó, thế hệ pin mới này được phát triển dựa trên sự cải tiến mật độ các hạt năng lượng trên cực dương. Để làm được điều đó, các nhà khoa học đã phủ một lớp carbon vô định hình với kích thước nano theo cấu trúc tổ ong lên cực dương của viên pin mới. Nhờ kích thước siêu nhỏ của lớp phủ carbon mà bề mặt cực dương của viên pin sẽ rộng hơn và có thể lưu giữ được nhiều hạt năng lượng hơn. Không những thế, các hạt carbon bám trên cực dương cũng sẽ hoạt động linh hoạt, giảm sự thất thoát năng lượng và ổn định hơn làm cho các điện cực không bị phân hủy một cách nhanh chóng đồng thời khiến pin an toàn hơn, hạn chế được tình trạng cháy nổ của pin lithium. Theo tính toán của các nhà khoa học trong dự án này, công nghệ pin mới có thể tăng từ 2 đến 3 lần thời lượng pin trên smartphone hiện tại. Không chỉ chứng tỏ được tiềm năng ứng dụng của mình trên những thiết bị di động, loại pin mới của đại học Stanford cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp xe hơi khi giúp các nhà sản xuất có thể chế tạo ra những chiếc ô tô điện với giá thành rẻ nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu về năng lượng. Hiện tại, công nghệ pin mới này vẫn đang được các nhà khoa học tìm cách hoàn thiện để sớm được thương mại hóa. Trong tương lai gần, nếu được phổ biến, thế hệ pin lithium mới sẽ có thể giải quyết được bài toán về năng lượng vốn đang làm đau đầu không ít các hãng sản xuất thiết bị di động.