Hiện nay, Wi-Fi chuẩn 802.11n đang được sử dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên chuẩn 802.11ac hay còn gọi là Wi-Fi thế hệ thứ năm (Wi-Fi 5G) đang “lăm le” hất cẳng 802.11n để trở thành chuẩn Wi-Fi phổ biến nhất trong tương lai gần. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường ABI Research, số điểm truy nhập Wi-Fi hỗ trợ chuẩn 802.11ac chiếm 39% trong tổng số các điểm truy nhập Wi-Fi được thiết lập trong năm 2015 vừa qua. Sở dĩ 802.11ac được đánh giá cao là nhờ tốc độ vượt trội của nó so với người tiền nhiệm, không chỉ vậy, chuẩn 802.11ac còn có phạm vi phủ sóng rộng hơn, tiết kiệm năng lượng và độ ổn định cao hơn. Với đà ứng dụng mạnh mẽ này, số điểm truy nhập Wi-Fi hỗ trợ chuẩn 802.11ac sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2016 khi ngày càng có nhiều hơn các sản phẩm 802.11ac Wave 2 được tung ra thị trường cùng với việc xuất hiện của công nghệ điểm truy nhập Wi-Fi hỗ trợ 3 băng tần. Wi-Fi chuẩn 802.11ac (Wi-Fi 5G) sẽ trở thành chuẩn Wi-Fi phổ biến nhất trong năm 2016 này Theo đó, ABI Research ước tính, số điểm truy nhập Wi-Fi chuẩn 802.11ac sẽ chiếm tới 65% điểm truy nhập Wi-Fi được thiết lập trong năm 2016 này và trở thành chuẩn Wi-Fi phổ biến nhất trong năm nay và có thể kéo dài đến năm 2020. Doanh số thiết bị phát Wi-Fi chuẩn 802.11ac có thể đạt hơn 200 triệu chiếc dành cho khách hàng cá nhân và gần 20 triệu chiếc dành cho khách hàng doanh nghiệp vào năm 2020. Thế mạnh của 802.11ac nằm ở đâu? Tốc độ là thế mạnh lớn nhất của 802.11ac. Về mặt lý thuyết, Wi-Fi 802.11ac sẽ cho tốc độ cao gấp ba lần so với Wi-Fi 802.11n ở cùng số luồng (stream) truyền, ví dụ khi dùng ăng-ten 1x1 thì Wi-Fi 802.11ac cho tốc độ 450Mb/s, trong khi Wi-Fi 802.11n chỉ là 150Mb/s. Còn nếu tăng lên ăng-ten 3x3 với ba luồng, Wi-Fi 802.11ac có thể cung cấp 1300Mb/s (1,3 Gbps), trong khi Wi-Fi 802.11n chỉ là 450Mb/s. Qua đó giúp Wi-Fi 802.11ac trở thành chuẩn Wi-Fi đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 Gbps. Tuy nhiên, khác với những quảng cáo mang tính lý thuyết, tốc độ tối đa thực tế hiện nay của chuẩn Wi-Fi 802.11ac chưa thể đạt ngưỡng 1,3 Gbps mà chỉ dừng lại ở con số 800 Mbps. Dù vậy thì đó vẫn là kết quả cao hơn nhiều so với khi sử dụng chuẩn Wi-Fi 802.11n. Tốc độ kết nối thực tế của 802.11ac bị giới hạn rất nhiều là do các yếu tố sau đây chi phối: phí mạng, phần cứng, vấn đề nghẽn mạng do cơ sở hạ tầng, khoảng cách, số lượng thiết bị kết nối đồng thời, hay bộ định tuyến đời cũ không tương thích với chuẩn mạng mới. Ứng dụng của Wi-Fi 802.11ac Ngoài tốc độ, 802.11ac còn có băng thông kênh truyền rộng hơn, nhiều luồng dữ liệu hơn, hỗ trợ Multi user-MIMO, tầm phủ sóng rộng hơn, với tốc độ truyền tải nhanh hơn, chúng ta sẽ có tốc độ kết nối Internet nhanh hơn. Ngoài ra, Wi-Fi 802.11ac còn có thể được áp dụng để truyền dữ liệu giữa các thiết bị trong một mạng nội bộ hoặc mạng gia đình với tốc độ cao hơn hiện nay. Một ứng dụng dễ thấy nhất là để stream video Full-HD. Trong một đợt trình diễn, hãng Netgear có thể sử dụng router 802.11ac của họ để truyền 4 bộ phim Full-HD cùng lúc đến bốn chiếc HDTV khác nhau, điều không thể làm được với Wi-Fi 802.11n hiện nay. Nó cũng sẽ giúp quá trình sao chép dữ liệu giữa máy tính, smartphone, tablet với ổ cứng mạng cũng như giữa các thiết bị với nhau được nhanh chóng hơn (về lý thuyết là chỉ tốn 1/3 thời gian so với chuẩn 802.11n). Và thời thời gian chờ đợi ngắn hơn kéo theo thời lượng pin sẽ dài hơn bởi năng lượng tiêu thụ ít hơn. Tham khảo: XHTT, Internet.